Cách Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

    Bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là gì? Làm sao để phòng bệnh cho trẻ và khi đã nhiễm bệnh thì làm sao để trẻ nhanh lành? Mời các bạn cùng Bác Sĩ Hoàng Thị Minh Nguyệt – Khoa Nhi BVĐK Hồng Hà bàn về nguyên nhân, cách phòng chống bệnh nhiễm khuẩn hô hấp ở trẻ em nhé.

1. Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em là gì?

Nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính là một nhóm bệnh do vi khuẩn hoặc virus gây nên những tổn thương viêm cấp tính ở một phần hay toàn bộ hệ thống đường hô hấp kể từ tai, mũi, họng cho đến phổi, màng phổi. Bệnh thường có biểu hiện ho không quá 30 ngày.

+ Đây là bệnh phổ biến nhất gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, nhất là trẻ dưới 5 tuổi.

+ Ước tính một em bé dưới 5 tuổi có thể bị nhiễm bệnh từ 5 – 8 lần mỗi năm.

+ Đa số trẻ sẽ tự khỏi trong vòng 10 – 14 ngày nếu được chăm sóc tốt

Tuy nhiên, khoảng 20 – 25% trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính sẽ diễn tiến thành bệnh viêm phổi và chuyển biến nặng hơn có thể gây tử vong cho trẻ.

Nhận biết nhiễm khuẩn đường hô hấp trên và dưới
Hình minh hoạ bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

Có 2 loại nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính:

+ Viêm đường hô hấp trên:

Là bệnh viêm nhiễm vùng tai – mũi – họng, thường do virus, nếu chăm sóc trẻ tốt thì đa số trẻ sẽ tự khỏi.

+ Viêm đường hô hấp dưới:

Bao gồm viêm tiểu phế quản, viêm phổi, … Trong đó, trẻ bị viêm phổi là nguy hiểm nhất.

Vì vậy trẻ cần được phát hiện sớm bệnh viêm phổi để được điều trị kịp thời, tránh những biến chứng không tốt có thể để lại di chứng hoặc nặng hơn có thể dẫn đến tử vong cho trẻ.

Bác sỹ đanh thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa hồng hà
Bác sỹ đang thăm khám cho bệnh nhân tại bệnh viện đa khoa hồng hà

2. Dấu hiệu nhận biết và cách xử lý, chăm sóc trẻ bị nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính

* Trường hợp trẻ có dấu hiệu nhẹ như sau:

– Khi thấy trẻ có các triệu chứng như bị ho, cảm lạnh thường, sốt nhẹ, chảy nước mũi, thở bằng miệng, nhịp thở bình thường thì phụ huynh không cần phải quá lo lắng. Nguyên nhân của tình trạng này thường do virus nên cha mẹ chỉ cần điều trị và chăm sóc trẻ tại nhà với các bước sau:

+ Nếu trẻ ho nhiều nên dùng thuốc ho có nguồn gốc thảo dược như hoa hồng bạch, quất hấp mật ong.

+ Vệ sinh mũi, miệng cho trẻ bằng nước muối 0,9% để làm loãng dịch mũi, sau đó có thể dùng dụng cụ hút mũi để loại trừ dịch mũi.

+ Giúp trẻ ho và tống xuất đờm hiệu quả như vỗ lưng cho trẻ, tốt nhất là làm trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn.

+ Nên chia nhiều bữa nhỏ trong ngày để trẻ nhận đủ số lượng thức ăn và luôn thay đổi món để kích thích sự thèm ăn, giúp trẻ ăn ngon miệng.

+ Cho trẻ uống thêm nước hoa quả để cung cấp vitamin A, C, sắt…và bù lại lượng nước mất đi do sốt.

+ Cặp nhiệt độ xem trẻ có sốt không, nếu như trẻ sốt 37,5 độ C đến dưới 38,5 độ C thì cần nới rộng và bỏ bớt quần áo cho trẻ; lấy khăn thấm nước ấm chườm trán, nách, bẹn. Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C thì phải dùng thuốc hạ sốt cho trẻ.

+ Hạn chế nguồn lây bệnh, thường xuyên vệ sinh phòng ở, làm sạch các dụng cụ chăm sóc và đặt trẻ ở nơi thông thoáng, giữ vệ sinh cơ thể cho trẻ.

Bệnh nhân đến khám và điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp
Bệnh nhân đến khám và điều trị nhiễm khuẩn đường hô hấp

* Trường hợp trẻ có dấu hiệu nặng như sau:

     Khi thấy trẻ ho kéo dài, thở nhanh, khó thở, bú kém, không uống được, đùn bọt mép, mệt mỏi hơn, co rút lõm lồng ngực thì đây là biểu hiện củaviêm phổi – biến chứng rất nguy hiểm.Do vậy các mẹ nên đưa trẻ đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

3. Cách phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

– Đảm bảo cho trẻ bú ngay sau sinh càng sớm càng tốt

– Thực hiện tiêm phòng đầy đủ theo chỉ dẫn của bác sỹ

– Cho trẻ ăn với chế độ dinh dưỡng đầy đủ, cân đối, giúp tăng sức đề kháng cho trẻ

– Trẻ nên được ở trong phòng đủ ánh sáng, thoáng mát, lưu thông không khí tốt.

– Nếu sử dụng điều hòa ba mẹ nên chú ý điều chỉnh nhiệt độ không quá thấp. Nhiệt độ trong nhà và ngoài trời dao động từ 5 – 7°C để trẻ có thể thích ứng được.

– Giữ ấm cho trẻ, tránh tiếp xúc với khói, bụi, thuốc lá, không khí ô nhiễm, không khí lạnh.

– Khi còn nhỏ hệ miễn dịch của trẻ chưa hoàn chỉnh. Khi người nhà bị bệnh hô hấp nên giữ vệ sinh và cách ly để tránh lây bệnh cho trẻ. Ba mẹ đừng quên giữ vệ sinh chung như rửa sạch tay trước và sau khi chăm sóc trẻ.

Để được tư vấn cụ thể quý khách hàng vui lòng liên hệ:
🚑 Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà Hà Tĩnh
📌Đc: Số 46, Đ.Phan Kính, P.Nam Hồng, TX.Hồng Lĩnh, T.Hà Tĩnh
📞Chăm sóc khách hàng: 0708 039 115
🌎facebook.com/benhviendakhoahonghahatinh

One thought on “Cách Phòng bệnh nhiễm khuẩn hô hấp cấp tính ở trẻ em

  1. Pingback: Sốt co giật ở trẻ em là gì? Cách sơ cứu và phòng tránh - Bệnh Viện Đa Khoa Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *