Xét Nghiệm Hbv-Dna Trong Chẩn Đoán Và Điều Trị Viêm Gan B
Viêm gan B là bệnh lý phổ biến về gan do virus viêm gan B Hepatitis B Virus (HBV) gây ra, bệnh có thể tiến triển gây suy gan và ung thư gan; xét nghiệm định lượng virus viêm gan B (HBV-DNA) là một xét nghiệm rất cần thiết trong chẩn đoán và điều trị bệnh viêm gan B.
1, Xét nghiệm định lượng HBV-DNA là gì?
Xét nghiệm định lượng HBV-DNA trong máu là một xét nghiệm nhằm xác định số lượng hay nồng độ của virus trong một đơn vị thể tích huyết tương/huyết thanh, sử dụng đơn vị IU/ml hoặc copy/ml (1IU tương ứng 5-6 copy), từ đó đánh giá mức độ nhân lên của virus viêm gan B trong các tế bào gan.
2, Vì sao phải làm xét nghiệm HBV-DNA?
– Xét nghiệm HBV- DNA tức là xét nghiệm tìm xem trong máu của bệnh nhân có mang virus hoàn chỉnh hay không. Đây là xét nghiệm sinh học phân tử, thông thường được thực hiện bằng kỹ thuật PCR (polymerase chain reaction) là kỹ thuật nhân bản DNA trong ống nghiệm qua các chu kỳ nhiệt độ.
Kiểm tra theo dõi mức độ HBV-DNA trong máu theo tháng, theo năm là một điều kiện quan trọng để quản lý bệnh, giúp xác định thời điểm điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tiêu chuẩn dừng điều trị
Xét nghiệm có thể phân biệt được các trường hợp sau:
1) Không phát hiện thấy HBV-DNA trong mẫu máu.
2) Nồng độ HBV-DNA dưới ngưỡng phát hiện (20 IU/ml).
3) Nồng độ cụ thể của HBV-DNA.
3. Chỉ định xét nghiệm định lượng virus viêm gan B
3.1. Xét nghiệm HBV-DNA được thực hiện khi nào
Trong các trường hợp xét nghiệm viêm gan B dương tính, người ta thường yêu cầu làm thêm xét nghiệm tìm HBV- DNA như:
– Có biến chủng precore khi HbeAg (-) và anti HBe (+).
– Trên lâm sàng cho thấy có liên quan đến viêm gan siêu vi mà tất cả các dấu hiệu huyết thanh còn lại đều âm tính, đặc biệt là HBsAg.
– Trước khi quyết định điều trị, bệnh nhân cũng cần làm xét nhiệm HBV DNA và dựa trên kết quả dương tính của HBV- DNA để bác sĩ đưa ra quyết định điều trị phù hợp.
3.2 Mục đích và ý nghĩa của xét nghiệm HBV-DNA
1 – Định lượng virus để cân nhắc điều trị
– Bệnh nhân được chẩn đoán viêm gan B mạn tính, xét nghiệm định lượng HBV-DNA là một trong những tiêu chuẩn để bắt đầu điều trị bằng thuốc kháng virus.HBV-DNA ≥ 105 copies/ml (20.000 IU/ml) nếu HBeAg (+) hoặc HBV- DNA ≥ 104 copies/ml (2.000 IU/ml) nếu HBeAg (-).
– Nếu HBV-DNA dương tính với số lượng quá 100000copies/ml. thì phải tiếp tục xem men gan (là thử nghiệm ALT hay SGPT) của họ có cao không? Nếu cao vượt ngưỡng 2 lần bình thường (ALT bình thường là 19 IU ở nữ và 33 IU ở nam) thì được coi là viêm gan mạn tính và phải điều trị.
2 – Theo dõi điều trị
– Xét nghiệm HBV-DNA được theo dõi sau mỗi 3-6 tháng cùng với các xét nghiệm khác (AST, ALT, Creatinine máu, HBeAg, Anti-HBe) để đánh giá đáp ứng điều trị cũng như đánh giá tái phát sau ngưng điều trị. Nếu sau khi chỉ định điều trị khoảng 1 – 3 tháng mà kết quả xét nghiệm cho thấy lượng virus giảm được 100 lần thì bác sĩ điều trị có thể đánh giá là thuốc kháng virus có hiệu quả.
– Hiện nay có khá nhiều thuốc kháng virus dành cho viêm gan B mạn tính rất hiệu quả, HBV bị ngăn chặn không cho nhân bản rất nhanh, chính vì vậy HBV-DNA biến mất khỏi máu sớm hơn là HBeAg. Chính vì vậy HBV-DNA là một dấu ấn rất tốt để theo dõi được đáp ứng khá sớm của điều trị và hiện nay các nhà y học thống nhất sử dụng HBV-DNA làm chỉ số theo dõi đáp ứng điều trị hơn là HBeAg.
3 – Xét nghiệm phát hiện đột biến kháng thuốc
– Trong thời gian điều trị, xét nghiệm theo dõi virus là HBV-DNA bỗng nhiên bị trở lại dương tính và lượng HBV-DNA bị tăng lên dần thì đây chính là dấu hiệu cho biết virus có khả năng kháng lại thuốc đang điều trị. Lúc này cần phải xét nghiệm để phát hiện xemthuốc có bị virus đề kháng không?
– Xảy ra sự đột biến kháng thuốc nếu kết quả xét nghiệm cho thấy HBeAg âm tính, AntiHBeAg dương tính, nhưng HBV-DNA lại xuất hiện dương tính, đồng thời men gan tăng giảm thất thường, thì đây chính là dấu hiệu báo động nguy cơ virus đột biến.
-
Cách lấy mẫu bệnh phẩm và bảo quản
4.1. Cách lấy mẫu
– Huyết thanh hoặc huyết tương chống đông bằng EDTA
– Thể tích: 2 ml
4.2. Bảo quản
– Ly tâm lấy lấy huyết thanh/huyết tương trong vòng 6h sau khi lấy máu. Chuyển huyết thanh/huyết tương vào ống có lặp đậy và lưu tủ đông.
Khoa xét nghiệm – BVĐK Hồng Hà
Một số bài viết khác:
Chương trình TRI ÂN KHÁCH HÀNG CUỐI NĂM 2024
Danh sách thực hành tháng năm 2024 tại Bệnh viện đa khoa Hồng Hà
Kỷ niệm 15 năm hình thành và phát triển BVĐK Hồng Hà
Đón tiếp BS CKI Lê Tự Phúc về tham quan bệnh viện
Hội Thảo THUỐC – THỰC PHẨM CHỨC NĂNG
ĐÓN TIẾP ĐOÀN THAM QUAN BỆNH VIỆN ĐA KHOA HÙNG CƯỜNG – BẮC GIANG