Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận-Tiết Niệu

Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận-Tiết Niệu

   Protein niệu là một thuật ngữ để chỉ sự có mặt của Protein trong nước tiểu. Bình thường, không có hoặc có rất ít Protein trong nước tiểu vì thận có chức năng tái hấp thu Protein. Trong trường hợp thận bị tổn thương, Protein sẽ lọt vào và bài xuất ra trong nước tiểu. Xác định Protein niệu rất có giá trị trong chẩn đoán các bệnh lý thận -tiết niệu. Hiện nay, xét nghiệm Protein niệu được xem như là một test sàng lọc bệnh lý thận, tiết niệu.

Hình minh hoạ Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận
Hình minh hoạ Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận

Về mặt số lượng, có thể phân loại:

– Protein niệu sinh lý: Khi protein dưới 30 mg/ 24giờ.

– Microprotein niệu: Khi protein 30 – 300 mg/ 24giờ.

– Protein niệu thực sự: Khi protein trên 300 mg/24 giờ.

1. Các phương pháp xác định protein niệu

– Phương pháp định tính: có thể dùng nhiệt hoặc acid triclo acetic, acid sulfosalycilic. Dưới tác dụng của nhiệt độ hoặc trong môi trường acid có thể làm đông vón Protein dễ dàng quan sát được bằng mắt thường. Tùy thuộc vào lượng Protein trong nước tiểu, nước tiểu có thể lẩn vẩn đục hoặc đông vón thành tủa.

– Phương pháp bán định lượng: Dùng que thử nước tiểu 10 thông số. Là phương pháp được áp dụng phổ biến nhất hiện nay, nhất là trong vấn đề sàng lọc bệnh thận trong cộng đồng. Các que thử này được tẩm Tétra bromephénol citraté (pH3), màu bị biến đổi từ vàng sang xanh khi có protein trong nước tiểu.Phản ứng này phát hiện protein với lượng ít nhất là 150 – 200 mg/l. Kết quả được biểu thị dưới dạng kết quả: âm tính, Protein niệu vết, 1+ đến 3+ tuỳ thuộc vào mức độ thay đổi màu sắc của que thử khi so sánh với bảng màu chuẩn. Que thử nước tiểu ngày nay không chỉ được dùng để xác định Protein niệu mà còn kết hợp với việc phát hiện các thông số khác.

Hình minh hoạ Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận
Hình minh hoạ Xét Nghiệm Protein Niệu Trong Chẩn Đoán Bệnh Thận

– Phương pháp định lượng: Lấy nước tiểu 24h: bệnh nhân lấy nước tiểu bắt đầu từ 6h sáng hôm nay đến lần tiểu cuối cùng vào 6h sáng hôm sau, lấy toàn bộ nước tiểu vào bình có chứa chất bảo quản, đong 5ml làm xét nghiệm, tính lượng Protein trong nước tiểu 24h. Xét nghiệm này thường được thực hiện trên các hệ thống máy xét nghiệm sinh hóa tự động.

2. Các trường hợp lâm sàng của Protein niệu:

– Protein niệu thoáng qua:

là một tình trạng Protein niệu xảy ra không thường xuyên, liên quan đến một số tình trạng sinh lý hoặc bệnh lý như:

– Sốt cao

– Gắng sức

– Nhiễm trùng đường tiểu

– Suy tim

– Protein niệu tư thế

Trong đó, Protein niệu tư thế là trường hợp hay gặp ở người trẻ và biến mất sau tuổi dậy thì, không liên quan đến tình trạng bệnh lý. Cần loại bỏ Protein niệu tư thế bằng cách kiểm tra lại sau khi cho bệnh nhân nằm nghỉ ngơi 2h.

– Protein niệu thường xuyên:

Protein thường xuyên có mặt trong nước tiểu trong các trường hợp bệnh lý thận-tiết niệu hoặc protein huyết tương.

– Protein niệu do tăng lưu lượng Protein huyết tương:

Các Protein có trọng lượng phân tử thấp xuất hiện nhiều trong huyết tương, được lọc qua cầu thận nhưng tái hấp thu không hết ở ống thận như Protein Bence John trong bệnh đa u tủy xương, tiểu ra Hemoglobin do tán huyết hoặc Myoglobin trong tiêu cơ vân.

– Protein niệu ống thận:

thường không quá 2g/24h, gồm có 3 loại (Protein có trọng lượng phân tử trung bình được lọc qua cầu thận nhưng ống thận không tái hấp thu hết, Protein do ống thận bị tổn thương tiết ra và Protein Tamm- Hosfall).

– Protein niệu cầu thận:

thường là Albumin, >3,5g/24h trong hội chứng thận hư.

Thận có chức năng quan trọng là đào thải các chất độc trong cơ thể, giúp cân bằng huyết áp và tạo máu. Xét nghiệm protein niệu nhằm chẩn đoán các bệnh lý thận tiết niệu giúp cho việc điều trị và phòng tránh nguy cơ xảy ra biến chứng nguy hiểm.

 Nguyễn Thị Tuyết

Khoa xét nghiệm-Bệnh viện Đa khoa Hồng Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *